Hơn một năm qua, Nhật Bản là “con cưng” của giới tài chính. Tuy nhiên, mọi thứ đảo chiều khi vào hôm 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng lãi suất lần thứ hai từ đầu năm và Thống đốc Kazuo Ueda phát tín hiệu tiếp tục thắt chặt chính sách. Các động thái này đẩy giá đồng yên tăng mạnh và gây ra cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Giới đầu tư và các nhà giao dịch giờ đây buộc phải từ bỏ chiến lược đầu tư dựa trên đánh giá vĩ mô rằng đồng yên Nhật sẽ tiếp tục ở mức yếu và lãi suất ở Nhật không tăng quá nhanh.
BỐI CẢNH HOÀN TOÀN MỚI
“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính xác là một bối cảnh hoàn toàn mới với các thị trường tài chính trên thế giới. Mọi người giờ tin rằng BOJ dường như đang thực sự muốn rũ bỏ hoàn toàn những năm lãi suất âm cũng như chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ”, ông Stephen Miller, cố vấn tại Grant Samuel Funds Management và cũng là cựu quản lý quỹ tại BlackRock Inc., nhận xét với hãng tin Bloomberg. “Nhật Bản giờ đây là mối lo lớn nhất của giới đầu tư toàn cầu, trong mọi thứ, từ cổ phiếu, trái phiếu, cho tới đồng yên, tín dụng”.
Quyết định của BOJ khiến chỉ số Nikkei 225 sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày 1/8 và kéo dài đà giảm sang tuần này. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/8), chỉ số này giảm hơn 12%, mức giảm mạnh nhất của kể từ “ngày thứ Hai đen tối” năm 1987. Xét về giá trị tuyệt đối, cú giảm 4.451,28 điểm của Nikkei trong phiên này là lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của chỉ số. Sang phiên ngày 6/8, chỉ số này đã hồi 10%.
Theo các nhà phân tích, cú sốc trên thị trường tài chính có thể tác động lớn niềm tin của người tiêu dùng Nhật cũng như nỗ lực thoát giảm phát của nhà chức trách nước này.
“Rủi ro là tiêu dùng và đầu tư có thể co lại do bất ổn gia tăng trên thị trường”, ông Hirofumi Suzuki, chiến lược gia trưởng về ngoại hối tại Sumitomo Mitsui Banking Corp, nhận định. “Nếu tình trạng này tiếp diễn, có thể ảnh hưởng tới hành vi của cả doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình ở Nhật”.
Theo các nhà phân tích, đợt bán tháo vừa qua cho thấy động lực cho những giao dịch đặt cược vào đồng yên yếu và đà tăng của chứng khoán Nhật đã biến mất. Sự tăng giá của đồng nội tệ Nhật cũng làm đảo lộn chiến lược đầu tư carry-trade – một trong những mô hình đầu tư mang về lợi nhuận lớn nhất năm nay.
Trong carry-trade yên, nhà đầu tư đi vay bằng yên trong bối cảnh lãi suất thấp ở Nhật và lấy số vốn đó đầu tư vào một đồng tiền khác có lãi suất cao hơn hoặc các tài sản có lợi tức cao hơn. Sự phục hồi của đồng yên đang khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi các vị thế carry-trade yên Nhật – động thái càng khiến đồng tiền này tăng giá mạnh hơn.
CƠ HỘI HIẾM CÓ?
Giới chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp ở Nhật đang cố gắng xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về tác động của việc tăng lãi suất. Phó thống đốc BOJ Shinichi Uchida ngày 7/8 nói rằng cơ quan này sẽ không điều chỉnh lãi suất khi thị trường đang biến động – tuyên bố ngược lại với lập trường cứng rắn của Thống đốc Ueda vào tuần trước đó.
Các quan chức Nhật cũng đang cố gắng giảm thiểu tác động của biến động thị trường tài chính tới cả nhà đầu tư cá nhân lẫn các tài khoản đầu tư miễn thuế.
Tài khoản đầu tư miễn thuế là một sáng kiến của Chính phủ Nhật nhằm khuyến khích người dân sử dụng một phần trong số hơn 1 triệu tỷ yên (6,8 nghìn tỷ USD) trong các tài khoản tiền gửi ngân hàng (tính tới tháng 3/2024) để đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục trụ lại thị trường Nhật có thể sẽ có tầm nhìn dài hạn hơn vào các doanh nghiệp nỗ lực cải tổ, cũng như phát triển kinh doanh và quản lý tài chính.
“Tôi cho rằng thị trường Nhật giờ đây phù hợp với các phân tích cơ bản”, ông Pelham Smithers, chủ một công ty Anh chuyên nghiên cứu về doanh nghiệp Nhật, nhận định. “Thời gian tới sẽ là giai đoạn thú vị nếu bạn biết chọn cổ phiếu”.
Một số chuyên gia chỉ trích động thái tăng lãi suất của BOJ và cho rằng quyết định này được đưa ra do áp lực chính trị, bởi một số chính trị gia hàng đầu ở Nhật những tuần gần đây liên tục kêu gọi nâng giá đồng yên.
Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ quyết định này. Ông Christopher Willcox, giám đốc mảng ngân hàng đầu tư và giao dịch tại ngân hàng Nomura Holdings Inc. nhận định việc tăng lãi suất là một quyết định đúng đắn trong bối cảnh môi trường vĩ mô ở Nhật.
“Việc đảo chiều chính sách tiền tệ siêu nới lỏng chắc chắn gây ra nhiều biến động. BOJ luôn biết rằng việc thay đổi chắc chắn sẽ khó khăn. Vì vậy tôi cho rằng họ đang cực kỳ thông minh”, ông Willcox nhận định.
Thị trường đi xuống cũng có thể kích hoạt làn sóng mua lại cổ phiếu khi các doanh nghiệp tận dụng giá cổ phiếu đang ở mức thấp. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách Nhật cũng như giới đầu tư ngoại đang kêu gọi doanh nghiệp Nhật có chính sách thân thiện với cổ đông hơn.
“Đây là cơ hội hiếm có”, ông Atul Goyal, nhà phân tích cổ phiếu tại công ty đầu tư Jefferies, nhận xét. “Đợt bán tháo vừa qua diễn ra đúng thời điểm các công ty chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh và tổ chức đại hội cổ đông. Có thể sẽ có nhiều công ty công bố chương trình mua lại cổ phiếu quy mô lớn”.